Giới thiệu Hội Cựu HSSV Cao Thắng
Trường kỹ thuật Cao Thắng buổi đầu có tên là trường Cơ khí Á Châu (L’école des Mécaniciens Asiatiques), tên quen gọi là trường Bá Nghệ, là một trong những trường dạy nghề đầu tiên ở Nam Bộ, được toàn quyền Đông Dương ra quyết định thành lập ngày 20/02/1906 nhằm “đào tạo cho nhu cầu hàng hải thương thuyền cho nền cai trị thuộc địa và kỹ nghệ địa phương, một đội ngũ thợ cơ khí vững tay nghề về máy móc sử dụng trên tàu và trên đất liền”.
Thực dân Pháp xây dựng trường nhằm đáp ứng yêu cầu của bộ máy thuộc địa và các xí nghiệp của người Pháp, nhưng cũng chính nơi đây đã sản sinh ra những chiến sĩ cách mạng. Người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành, trước khi lên tàu L’Amiral Latouche Tréville rời Bến Nhà Rồng đi tìm đường cứu nước, đã theo học tại trường 3 tháng. Ngày 20 tháng 4 năm 1919 người thợ cơ khí tàu biển Tôn Đức Thắng, học sinh trường khoá 1915-1917, đã kéo lá cờ phản chiến trên chiến hạm France thuộc hạm đội Pháp ở biển Hắc Hải ủng hộ Các mạng tháng Mười Nga. Người lập Công hội ở trường, ở Ba Son và tại Sài Gòn và sau này kế tục Bác Hồ trong cương vị Chủ tịch nước.
Từ rất sớm, học sinh trường Cao Thắng đã bãi khóa, rải truyền đơn để cùng học sinh ở trường bạn và nhân dân Sài Gòn đưa tang cụ Phan Chu Trinh (1925) và đòi tự do cho cụ Phan Bội Châu (1926), phản đối nhà cầm quyền thuộc địa đã bắt giam vô cớ nhà yêu nước Nguyễn An Ninh (1926).
Năm 1932, Chi Bộ Đảng Cộng Sản Đông Dương đầu tiên được thành lập tại trường (Bí thư chi bộ là học sinh Trần Hữu Tám). Học sinh Cao Thắng hoạt động mạnh trong phong trào Mặt trận Dân Chủ (1936-1939), Câu lạc bộ Học sinh (1939-1940) nhằm đánh thức lòng yêu nước và trách nhiệm của thanh niên học sinh trước vận mệnh đất nước. Đến Nam Kỳ Khởi Nghĩa (1940), học sinh Cao Thắng đã rèn vũ khí phục vụ cho chiến đấu. Những học sinh tiêu biểu cho giai đoạn sôi động nói trên: Lê Văn Lưỡng, Ka Hiêm, Nguyễn Văn Hiền, Tạ Văn Hảo, Trần Hữu Tám, Hồ Tố Nguyên, Nguyễn Văn Đọt…
Tiếp theo là những năm hoạt động văn nghệ - xã hội đầy hào hùng của học sinh trường trong các phong trào học sinh sinh viên tiền khởi nghĩa; biểu diễn văn nghệ, truyền bá quốc ngữ, cứu tế nạn đói miền Bắc, tham gia phong trào Thanh niên Tiền phong, đỉnh cao là tham gia cuộc Tổng khởi nghĩa tháng Tám 1945.
Pháp trở lại xâm chiếm Việt Nam, nhiều học sinh của trường đã cầm súng chiến đấu, mặt đối mặt với quân thù, hoặc phục vụ ở những ngành kỹ thuật hậu cần của kháng chiến. Một số học sinh đã vĩnh viễn ngã xuống vì sự nghiệp cứu quốc như: Đoàn Văn Bơ (Thường vụ Khu uỷ Sài Gòn), Lê Văn Nhựt, Đoàn Văn Mẹo (Trưởng ban Kiểm tra Phòng Quân giới Liên khu Miền Đông Nam bộ), Từ An Ri (Trung đoàn phó)…
Năm 1945, Mỹ thay chân Pháp đưa Ngô Đình Diệm về nước. Ngày 29/06/1956 chính quyền Diệm ký nghị định thay đổi tên trường là trường Trung học Kỹ thuật Cao Thắng. Theo nghị định này, mục tiêu đào tạo của trường là “Đào tạo kỹ thuật viên bậc trung đẳng của ngành kỹ nghệ và thương mãi, cùng đào luyện những học sinh đến bậc tú tài kỹ thuật”. Với sĩ số là 1.500 học sinh, trường Cao Thắng trở thành trường trung học kỹ thuật lớn nhất miền Nam.
Do mục tiêu đào tạo của trường, nên hầu hết học sinh được tuyển vào của trường là con em gia đình bình dân, được hun đúc trong lao động kỹ thuật nên sớm nhận ra những bất công trong xã hội, sục sôi lòng yêu nước và nhiệt huyết của tuổi trẻ. Môi trường lao động tập thể trong xưởng hàng ngày, tương đồng nhau về gia cảnh, nên học sinh Cao Thắng có tinh thần đoàn kết, tương ái rất cao. Nhiều học sinh tư các tỉnh, các vùng nông thôn vào thành phố học nghề nên đã tiếp xúc với kháng chiến hoặc có người thân trong gia đình tham gia cách mạng.
Trường toạ lạc ngay khu trung tâm của thủ đô chế độ Sài Gòn, cạnh trục đường Chợ Bến Thành - Lê Lợi - Nhà hát Thành phố, nơi thường nổ các cuộc đấu tranh của các tầng lớp nhân dân và diễn ra các cuộc đàn áp, khủng bố của các chế độ tay sai ngoại bang, tạo ra không khí chính trị nóng bỏng tác động trực tiếp vào học sinh Cao Thắng.
Phong trào đấu tranh của học sinh trường cùng với các tầng lớp nhân dân Sài Gòn phát khởi từ khi Mỹ can thiệp vào miền Nam, từ những khẩu hiệu quyền lợi thiết thân học sinh kỹ thuật đến những khẩu hiệu đòi dân sinh dân chủ, chống đàn áp, chống đôn quân, bắt lính đến những khẩu hiệu đòi đuổi Mỹ, lật đổ chế độ Sài Gòn, luôn có mặt trong những thời điểm quan trọng, quyết định của phong trào thành phố như cao trào chống chế độ độc tài phát xít Ngô Đình Diệm và các chính quyền tay sai năm 1963-1965, cuộc tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968-1969, cao trào chống Mỹ và chế độ độc tài quân phiệt Nguyễn Văn Thiệu những năm 1970, tham gia khởi nghĩa trong chiến dịch Hồ Chí Minh.
Đó là phong trào đấu tranh mang tính đối kháng, bạo lực mạnh mẽ, là mũi xung kích đột phá duy trì khí thế đấu tranh khi phong trào chung bị đàn áp, khủng bố. Từ những cuộc đột kích đốt bót Lê Văn Ken đến các cuộc giải vây cho học sinh trường kỹ thuật Nguyễn Trường Tộ, lập phòng tuyến chống đàn áp, bảo vệ trường, tham gia xuống đường cùng học sinh sinh viên và đồng bào các giới.
Từ đó, trường Cao Thắng trở thành điểm hội tụ liên kết, ngọn cờ hiệu triệu, chỗ dựa cho việc hình thành các trung tâm công khai chung của học sinh Sài Gòn mà tiêu biểu nhất là nơi hai lần thành lập Tổng đoàn Học sinh Sài Gòn, trở thành ngòi pháo tạo ra sức nổ dây chuyền cho cả phong trào sinh viên học sinh Sài Gòn và nhiều đô thị miền Nam. Học sinh Cao Thắng, với màu áo xanh truyền thống, vì vận mệnh của dân tộc, có lúc phải biến dụng cụ học tập thành vũ khí đấu tranh, biến nhà trường thành chiến lũy.
Ngay từ đầu những năm 1950, Đảng ta đã xác định trường Cao Thắng là một trong những trường trung học trọng điểm của Sài Gòn (bí số A1) nên tập trung chỉ đạo và xây dựng cơ sở bí mật tại đây. Một hệ thống tổ chức bí mật được hình thành với hơn 60 cơ sở bí mật trải qua các giai đoạn, là nòng cốt của các tổ chức công khai, bán công khai, của Ban đại diện học sinh, của các tổ chức trung tâm như Tổng đoàn Học sinh, Đoàn Học sinh Sài Gòn… và tham gia nhiều công tác cách mạng khác như: Lực lượng biệt động, Liên quận, quân báo, binh vận… nhiều cơ sở bí mật bị bắt, tù đày, hy sinh như Nguyễn Đông Hà, Bùi Minh Trực, Lê Văn Ninh, Đàm Thanh Quang… nhưng hệ thống đó không bị phá vỡ, luôn tồn tại trong trường và luôn nối liền với sự lãnh đạo của Thành ủy và Thành đoàn.
Tháng 3/1975, trong những giờ phút hấp hối của chế độ Sài Gòn, học sinh trường nổ ra cuộc bãi khoá với khẩu hiệu đấu tranh đánh vào tử huyệt của chính quyền Sài Gòn: “Chống đôn quân, bắt lính”. Mỹ và chính quyền Sài Gòn thấy không còn cách nào dập tắt được ngọn lửa cách mạng tại đây nên cho đóng cửa trường không thời hạn, nhưng 33 ngày sau, chế độ Sài Gòn cáo chung, miền Nam được hoàn toàn giải phóng và trường được mở cửa trở lại.
Trong giai đoạn mới, trường đã vượt qua nhiều khó khăn tập trung đào tạo hàng vạn học sinh trung học chuyên nghiệp và công nhân kỹ thuật, chuyên viên kỹ thuật cao cấp lành nghề và được Nhà nước phong tặng nhiều danh hiệu cao quý. Thế hệ học sinh này đã tiếp tục kế thừa, phát huy truyền thống yêu nước và phẩm chất của lớp đàn anh “thợ cơ khí”, “kỹ thuật viên”, “tú tài kỹ thuật” trước đây, đạt nhiều kết quả tốt đẹp trong học tập và rèn luyện, trở thành “nguồn năng lượng xanh” đóng góp tích cực cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hoá đất nước.
Nhiều cựu học sinh Cao Thắng đã trở thành những anh hùng lao động như: Trần Văn Danh, Tôn Thọ Khương, Võ Tòng Xuân, Ong Quang Nhiêu, Nguyễn Tấn Quang, Lê Tùng Hiếu, giữ những trọng trách trong Đảng, chính quyền, quân đội, đoàn thể của Thành phố, trong công tác quản lý kinh doanh, kỹ thuật và nhiều lĩnh vực khác cùng những tấm gương học giỏi, vượt khó, lao động sáng tạo của học sinh, sinh viên trường ngày nay là những điểm son trong bảng vàng truyền thống của trường.
Trường Cao Thắng thật sự trở thành nguyên khí của nhiều thế hệ, là bảo tàng sống giáo dục tuổi trẻ, đang gánh vác trách nhiệm góp phần đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng công cuộc đổi mới và hội nhập của đất nước. Truyền thống “yêu nước, đoàn kết, giỏi nghề” được nhiều thế hệ thầy và trò của trường kế tục nhau vun bồi trong trọn một thế kỷ mãi mãi là hành trang quý giá của nhà trường và các thế hệ học sinh, sinh viên trên chặng đường mới.
HOÀNG ĐÔN NHẬT TÂN (Cựu học sinh khoá 1966-1969)
- Trường CĐ Kỹ thuật Cao Thắng họp mặt truyền thống kỉ niệm 110 năm thành lập (1906-2016) - 27/04/2016
- Đêm hội truyền thống: 110 năm-Cao Thắng hội nhập và phát triển - 27/04/2016
- Danh sách HSSV nhận học bổng cựu Học sinh Cao Thắng - 11/09/2015
- Họp Ban liên lạc Cựu học sinh Cao Thắng 2015 - 27/04/2015
- Họp mặt truyền thống kỉ niệm 109 năm thành lập Trường Cao đẳng Kỹ thuật Cao Thắng (1906-2015) - 27/04/2015
- Báo cáo Quỹ học bổng Cựu học sinh Cao Thắng - 27/04/2015
- Danh sách Ban liên lạc Cựu học sinh Cao Thắng - 22/04/2015
Các Tin Khác: