1. Giới thiệu chung
- Tên trường: Cao đẳng Kỹ thuật Cao Thắng Viết tắt: CĐKTCT
- Tên tiếng Anh: Cao Thang Technical College Viết tắt: CTTC
- Địa chỉ: 65 Huỳnh Thúc Kháng, P.Bến Nghé, Quận.1, TP.HCM
- Điện thoại: (028)38212868/38212360 Fax: (028)38215951
- Website: caothang.edu.vn Email: ktcaothang@caothang.edu.vn
- Facebook:
+ https://www.facebook.com/caothang.edu.vn
+ https://www.facebook.com/daotao.caothang.edu.vn
+ https://www.facebook.com/HocsinhsinhvienCaoThang
- Lãnh đạo:
+ Hiệu trưởng: TS.LÊ ĐÌNH KHA
+ Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường, Phó Hiệu trưởng: ThS.TRƯƠNG QUANG TRUNG
+ Phó Hiệu trưởng: TS.TỐNG THANH NHÂN
2. Sứ mệnh và tầm nhìn
a. Sứ mệnh
Chúng tôi cung cấp nội dung đào tạo chất lượng cao nhằm đào tạo nguồn nhân lực kỹ thuật chuyên nghiệp, có năng lực nghiên cứu ứng dụng những tiến bộ của khoa học - kỹ thuật - công nghệ vào giải quyết những vấn đề trong thực tế sản xuất. Tạo nền tảng cơ bản có chuyên sâu để người học tự học nâng cao suốt đời.
b. Tầm nhìn
Trở thành trường Cao đẳng chất lượng cao với nhiều chương trình đào tạo đạt chuẩn quốc tế, có uy tín trong việc cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao ở Việt Nam và khu vực.
3. Lịch sử truyền thống
Trường Cao đẳng Kỹ thuật Cao Thắng ban đầu có tên là Trường Cơ Khí Á Châu (L’école des Mécaniciens Asiatiques), thường gọi là Trường Bá Nghệ, một trong những trường dạy nghề đầu tiên ở Nam Bộ, được Toàn quyền Đông Dương thành lập ngày 20-2-1906 với mục đích đào tạo chuyên viên kỹ thuật sơ cấp hải quân và một số ngành kỹ thuật khác đáp ứng nhu cầu của bộ máy. Tuy nhiên, nơi đây nhiều thế hệ thầy trò Trường Cao Thắng đã biến nhà trường thành lò đào tạo hàng ngàn học sinh thành những công nhân vừa giỏi nghề vừa có lòng yêu nước.
Mở đầu sổ vàng truyền thống của trường là Chủ tịch Hồ Chí Minh học 03 tháng đầu năm 1911 trước khi Người lên tàu tìm đường cứu nước. Kế tục Bác Hồ là người học sinh nghề máy Tôn Đức Thắng (khoá 1915-1917), người đã kéo lá cờ phản chiến trên chiến hạm Pháp ở Biển Đen (ngày 20/4/1919), lập Công Hội đỏ ở trường, ở Ba Son, và tại Sài Gòn, sau này giữ cương vị chủ tịch nước.
Từ rất sớm, học sinh Trường Cao Thắng đã bãi khóa, rải truyền đơn để cùng học sinh các trường bạn và nhân dân Sài Gòn để tang cụ Phan Chu Trinh (1925), đòi tự do cho cụ Phan Bội Châu (1926), phản đối nhà cầm quyền thuộc địa đã bắt giam vô cớ nhà yêu nước Nguyễn An Ninh (1926).
Năm 1932, chi bộ Đảng Cộng Sản Đông Dương đầu tiên được thành lập tại trường (bí thư chi bộ là Đ/c Trần Hữu Tám, sau này là Hiệu trưởng thứ 13 của trường, từ năm 1975 đến năm 1980). Học sinh Cao Thắng hoạt động ngày càng mạnh trong phong trào mặt trận dân chủ (1936-1939), câu lạc bộ học sinh (1939-1940) nhằm đánh thức lòng yêu nước và trách nhiệm trước lịch sử của thanh niên học sinh. Đến Nam kỳ khởi nghĩa (1940), học sinh Cao Thắng đã rèn vũ khí phục vụ cho chiến đấu. Sổ vàng truyền thống của nhà trường còn ghi tên tuổi của những học sinh tiêu biểu cho các giai đoạn sôi động nói trên như: Lê Văn Lưỡng, Ka Hiêm, Tạ Văn Hảo, Trần Hữu Tám, Hồ Tố Nguyên, Nguyễn Văn Đọt…
Truyền thống đoàn kết, yêu nước, giỏi nghề được nhiều thế hệ thầy và trò của trường kế tục, vun bồi trong hơn thế kỷ qua mãi mãi là hành trang quý giá cho các thế hệ học sinh, sinh viên mặc áo màu xanh và mang huy hiệu “Cao Thắng”.